Tình hình triển khai ERP tại SMBs
Thực tế cho thấy chi phí và thời gian triển khai phụ thuộc rất nhiều vào quy mô DN cũng như phạm vi triển khai. Theo nghiên cứu, những tổ chức lớn, trung bình cần 25 tháng để hoàn thành một dự án ERP (bảng 1). Các tổ chức quy mô cực lớn, cần thời gian trung bình là trên 3 năm, gấp 2 lần so với thời gian triển khai tại các SMBs. Những số liệu này khẳng định, các tổ chức có quy mô càng lớn, độ phức tạp càng cao thì thời gian triển khai ERP càng kéo dài.
Bên cạnh sự chênh lệch thời gian triển khai còn có sự khác biệt lớn về chi phí triển khai giữa các dự án ERP của SMBs so với các dự án của tổ chức lớn. Tổng chi phí triển khai trung bình của các dự án ERP được nghiên cứu là 8,5 triệu USD, nhưng với các dự án ERP cho SMBs chỉ là 3,1 triệu USD. Trong khi đó, các DN quy mô lớn phải chi một con số khổng lồ là 24,1 triệu USD cho một dự án ERP.
Theo định nghĩa của bản nghiên cứu, SMBs là những DN có ít hơn 500 nhân viên và doanh thu dưới 500 triệu USD/năm. DN lớn là các DN có trên 500 nhân viên và doanh thu trên 500 triệu USD/năm, không tính các công ty đa quốc gia và các tổ chức có quy mô cực lớn.
Từ hình bên cho thấy có sự khác biệt nhiều về tỷ lệ thị phần các giải pháp (GP) ERP giữa phân khúc dành cho SMBs với phân khúc dành cho DN lớn. Trong đó, tỷ lệ thị phần GP ERP của Microsoft có sự khác biệt đáng kể nhất. Nếu như với thị trường dành cho DN lớn, Microsoft chỉ chiếm 6% thì trên thị trường SMBs, con số này là 22%. SAP và Oracle tuy tỷ lệ có thay đổi nhưng vẫn giữ vị trí đứng đầu. Theo đó, với thị trường DN lớn, SAP và Oracle lần lượt giữ 43% và 33%, sang thị trường SMBs lần lượt là 30% và 24%.Các GP ERP (phân khúc II-các GP chuyên cho SMBs) chiếm thị phần tương ứng 17% cho DN lớn và 24% cho SMBs. Có cảm giác rằng miếng bánh thị phần trong phân khúc SMBs được chia đều hơn cho các GP ERP.
Tỷ lệ giữa chi phí cho một dự án ERP và doanh thu hàng năm của DN cũng là một thước đo đáng quan tâm. Kết quả nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ trung bình của tất cả các GP là 9%, với SMBs là 10,5% và với các tổ chức lớn là 4,9%.
Ngân sách và chi phí triển khai
Chi phí triển khai phụ thuộc vào rất nhiều thành tố như mức độ tùy chỉnh, quy mô, phạm vi triển khai, độ phức tạp của các nghiệp vụ và nhiều thành tố khác. Kết quả nghiên cứu của Panorama cho thấy có 3 phần chính cấu thành nên chi phí triển khai:
Chi phí triển khai liên quan đến kỹ thuật: Bao gồm chi phí bản quyền, cài đặt kỹ thuật, kiểm tra, tích hợp, nâng cấp phần cứng và máy chủ, chi phí vận hành và hỗ trợ hàng năm, chi phí hosting phần mềm.
Chi phí triển khai liên quan đến nội tại DN: Bao gồm chi phí cho các hoạt động quản lý chuyển đổi, tái cấu trúc quy trình kinh doanh, đào tạo, nhân sự cho đội dự án.
Các chi phí khác.
Các SMBs và các DN lớn thường tốn trên 70% ngân sách triển khai vào phần kỹ thuật. Chỉ khoảng16% dành cho các vấn đề liên quan trong nội tại DN và chi phí tư vấn cho bên thứ 3. Số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, phần lớn các dự án ERP thất bại hay gặp khó khăn có liên quan đến việc dành quá ít ngân sách cho khoản mục thứ 2 này.
Một điều mà mọi người luôn ngầm hiểu đó là chi phí triển khai ERP thực tế bao giờ cũng lớn hơn kế hoạch ngân sách đặt ra. Bảng 2 cho thấy, chỉ 5,4% các SMBs triển khai ERP với chi phí dưới mức ngân sách dự kiến, trong khi đó với các tổ chức lớn thì không hề có điều này. 35% SMBs và 36% các DN lớn triển khai với chi phí dao động khoảng 5% so với ngân sách.
Dù triển khai vượt ngân sách là vấn đề không mong muốn đối với bất kỳ DN nào, tuy nhiên với các SMBs thì tác động của điều này nghiêm trọng hơn nhiều so với các tổ chức lớn. Như đã chỉ ra trong phần I của bản nghiên cứu, nguyên nhân chính gây ra việc tăng chi phí triển khai bao gồm: việc đánh giá sai trong quá trình làm việc với các nhà cung cấp, kế hoạch triển khai không sát, không kiểm soát được phạm vi dự án…
Các vấn đề khác trong triển khai ERP
SMBs | DN lớn | ||
Thời gian triển khai (tháng) | 18,8 | 25,2 | |
Chi phí triển khai (triệu USD) | 3,07 | 24,07 | |
Chi phí/doanh thu (%) | 10,5 | 4,9 | |
Vượt dưới 5% ngân sách (%) | 40,5 | 35,9 | |
Vượt từ 5-100% ngân sách (%) | 59,5 | 64,1 | |
Thành viên dự án | 14 | 74 | |
Mức độ chỉnh sửa | Thấp | Cao | |
Bảng 1: So sánh tổng thể giữa SMBs và DN lớn |
Chúng ta thường thấy các DN lớn đòi hỏi nhiều thành viên (là nhân viên DN) tham gia dự án hơn là các SMBs. Điều này có thể lý giải bởi mức độ phức tạp trong các quy trình nghiệp vụ cũng như phạm vi triển khai. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là sự khác biệt này cụ thể như thế nào?
Trung bình, tại các DN lớn, cần 28 thành viên tham gia với vai trò nòng cốt, cùng 15 chuyên viên ERP. Ngược lại, tại các SMBs, chỉ có 6 thành viên và 3 chuyên viên ERP. Sự chênh lệch này còn lớn hơn khi khảo sát cho thấy số lượng các thành viên dự án của đối tác, trung bình trong các dự án ERP tại các SMBs là 3 người, trong khi các DN lớn là 31 người. Những số liệu này lý giải một trong những rủi ro khi triển khai ERP tại SMBs chính là vấn đề nguồn lực dự án.
Ngoài ra, một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới chi phí, độ phức tạp cũng như thời gian triển khai của một dự án ERP đó là mức độ tùy chỉnh GP.
Kết luận
Hơn một thập kỷ qua, phân khúc SMBs đã trở thành phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường ERP. Có 3 nguyên nhân chính lý giải điều này:
Các nhà cung cấp GP tên tuổi trên thị trường đã chú ý hơn đến phân khúc này với việc đẩy mạnh phát triển các GP với chi phí thấp và tính năng phù hợp với các SMBs.
Ngày càng xuất hiện nhiều các nhà cung cấp GP phân khúc II như Epicor, Infor, Sage…với sự đa dạng về GP giúp các SMBs có thêm nhiều lựa chọn hơn
Các SMBs đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt thời gian gần đây, kèm theo đó là sự mở rộng về qui mô, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các nghiệp vụ cũng như yêu cầu về quản trị đòi hỏi phải có các hệ thống hỗ trợ hiệu quả như ERP.
(Xem từ số TGVT B tháng 6/2009)
Lê Hưng